Giỏ hàng

Tư duy sáng tạo là gì? Phương pháp rèn luyện kỹ năng này

Nội dung bài viết

    Tư duy sáng tạo là kỹ năng làm việc được xếp thứ 2 về độ quan trọng khi đánh giá nhân viên và ứng viên tuyển dụng theo báo cáo khảo sát The Future of Jobs 2023 của WEF. Điều này cho thấy, đây là một kỹ năng cần phải tích cực rèn luyện để có thể đảm bảo cho bản thân một sự nghiệp ổn định và vững chắc. Trong bài viết này, Viện đào tạo Vinacontrol sẽ giúp bạn tìm hiểu sâu về kỹ năng sáng tạo và cách rèn luyện bài bản kỹ năng này.

    1. Tư duy sáng tạo là gì?

    Theo từ điển triết học, sáng tạo là quá trình hoạt động của con người tạo ra những giá trị vật chất, tinh thần, mới về chất. Các loại hình sáng tạo được xác định bởi đặc trưng nghề nghiệp như khoa học, kỹ thuật, văn học nghệ thuật, tổ chức, quân sự… Có thể nói sáng tạo có mặt trong mọi lĩnh vực của thế giới vật chất và tinh thần. Cái chính yếu của sáng tạo là sự mới mẻ của nó, và bởi thế chúng ta không có tiêu chuẩn qua đó có thể xét đoán nó.

    Và Mary Lou Cook đã từng nói về sáng tạo như sau:

    Sáng tạo là việc sáng chế, thử nghiệm, phát triển, chấp nhận rủi ro, phá vỡ quy tắc, mắc lỗi và tận hưởng niềm vui

    "Creativity is inventing, experimenting, growing, taking risks, breaking rules, making mistakes, and having fun."

    Vậy tư duy sáng tạo là gì?

    Tư duy sáng tạo là quá trình tư duy linh hoạt, khéo léo và không giới hạn, trong đó người ta tạo ra ý tưởng mới, khác biệt và có giá trị.

    Nó liên quan đến khả năng tưởng tượng, sáng tạo, khám phá và sử dụng những phương pháp mới để giải quyết vấn đề hoặc tạo ra những sản phẩm, dịch vụ hay những ý tưởng đột phá. Tư duy sáng tạo không chỉ tồn tại trong lĩnh vực nghệ thuật, mà còn trong nhiều lĩnh vực khác nhau như khoa học, kỹ thuật, kinh doanh và giáo dục. Nó thúc đẩy sự đổi mới, tiến bộ và phát triển trong xã hội và các tổ chức.

    tu-duy-sang-tao-va-cach-ren-luyen-ky-nang-nay

    Sáng tạo là quá trình hoạt động của con người tạo ra những giá trị vật chất, tinh thần, mới về chất.

    ✍ Xem thêm: Kỹ năng mềm là gì? Danh sách 13 kỹ năng mềm cần phải có

    2. Các cấp độ sáng tạo

    Sáng tạo có thể được biểu đạt ở các cấp độ khác nhau. Có thể chia sáng tạo thành 4 cấp độ sau:

    • Sáng tạo biểu đạt: là sự thể hiện ra bên ngoài những mối quan hệ, liên tưởng trong cuộc sống thường ngày, trong những sản phẩm lao động. Sáng tạo ở cấp độ này thể hiện trong giao tiếp như sự biểu đạt ý tưởng một cách hóm hỉnh, trong cải biến các quan hệ lao động, trong cuộc sống, các chi tiết mới trong sản phẩm…
    • Sáng chế: là việc tạo ra những vật dụng, dụng cụ mới chưa từng có trong tự nhiên và trong cuộc sống của con người dựa trên những kiến thức phát hiện được bằng con đường khoa học cũng như những kinh nghiệm thu nhận được trong cuộc sống.
    • Phát minh: là sự phát hiện ra các quy luật của sự vật hiện tượng có sẵn trong tự nhiên, xã hội và tư duy. Những quy luật này đang tác động, đang tồn tại nhưng con người, loài người chưa phát hiện ra trước đó.
    • Sáng tạo ở mức cải biến: là những thay đổi mang lại do tạo ra được những chuyển hóa, những đột phá trong khoa học, công nghệ, những thay đổi trong xã hội nhờ những phát minh, sáng chế trong nhiều lĩnh vực hay những thay đổi trong cách nhìn nhận, cách xử lý tình huống một cách tổng thể có sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực công nghệ nhằm cải biến thực tiễn.

    cac-cap-do-sang-tao

    Có 4 cấp độ sáng tạo

    3. Các rào cản của tư duy sáng tạo

    Tư duy sáng tạo có thể gặp phải một số rào cản và thách thức trong quá trình tư duy và triển khai ý tưởng sáng tạo. Dưới đây là một số rào cản phổ biến của tư duy sáng tạo:

    • Rào cản tâm lý: Những rào cản tâm lý bao gồm sự sợ hãi thất bại, tự cảm thấy không đủ tài năng, sợ đánh mất sự an toàn và sự thoải mái. Những suy nghĩ tiêu cực và tự hạn chế có thể ngăn chặn quá trình tưởng tượng và đột phá sáng tạo.

    • Rào cản kiến thức: Thiếu kiến thức và thông tin cần thiết về lĩnh vực cụ thể có thể là một rào cản đối với tư duy sáng tạo. Sự hạn chế kiến thức có thể hạn chế khả năng nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ và tạo ra ý tưởng mới.

    • Rào cản môi trường: Môi trường làm việc không lành mạnh, bí bách, thiếu không gian mở có thể làm giảm động lực và ảnh hưởng đến khả năng tư duy sáng tạo của cá nhân. Sự căng thẳng, áp lực hoặc quá nhiều quy tắc cũng có thể gây rào cản cho tư duy sáng tạo.

    • Rào cản văn hóa và xã hội: Một số nền văn hóa và xã hội không đánh giá cao tư duy sáng tạo hoặc không khuyến khích việc tư duy tìm ra ứng ý tưởng mới sẽ ảnh hướng đến tư duy sáng tạo. Ngoài ra, việc chịu áp lực tuân thủ quy tắc, sự phê phán và sự đánh giá tiêu cực từ xã hội cũng có thể gây rào cản cho sự sáng tạo.

    • Rào cản thời gian và tài nguyên: Thiếu thời gian, áp lực công việc, và hạn chế tài nguyên có thể hạn chế khả năng tư duy sáng tạo và triển khai ý tưởng. Sự bận rộn và áp lực thường làm cho người ta tập trung vào các giải pháp truyền thống và không để cho sự sáng tạo phát triển.

    Để vượt qua những rào cản này, quan trọng là tạo môi trường thuận lợi và khuyến khích sáng tạo, tạo điều kiện cho việc tưởng tượng tự do, khám phá kiến thức, khuyến khích sự đánh giá tích cực và tạo ra không gian và thời gian cho quá trình tư duy sáng tạo.

    rao-can-tu-duy-sang-tao

    Có 5 rào cản phổ biến hạn chế tư duy sáng tạo

     

    4. Phương pháp rèn luyện tư duy sáng tạo

    Có rất nhiều phương pháp giúp bạn cải thiện và rèn luyện tư duy sáng tạo. Dưới đây là một số những cách phổ biến và hiệu quả:

    4.1 Phương pháp "Tập kích thích não"

    Tập kích thích não: Đây là một phương pháp dùng để phát triển nhiều giải đáp sáng tạo cho một vấn đề. Phương pháp này hoạt động bằng cách tập trung sự suy nghĩ vào vấn đề đó; các ý niệm và hình ảnh về vấn đề trước hết được nêu ra một cách rất phóng khoáng và ngẫu nhiên theo dòng tư tưởng, càng nhiều thì càng đủ và càng tốt, rồi vấn đề được xem xét từ nhiều khía cạnh và nhiều cách (nhìn) khác nhau. Sau cùng các ý kiến sẽ được phân nhóm, đánh giá và tổng hợp thành các giải pháp cho vấn đề đã nêu.

    Các bước thực hành phương pháp này:

    • Bước 1: Trong nhóm lựa ra 1 người đầu nhóm (để điều khiển) và 1 người thư ký để ghi lại tất cả ý kiến (cả hai công việc có thể do cùng một người thực hiện nếu tiện).
    • Bước 2: Xác định vấn đề hay ý kiến sẽ được động. Phải làm cho mọi thành viên hiểu thấu đáo về đề tài sẽ được tìm hiểu.
    • Bước 3: Thiết lập các "luật chơi" cho buổi động não. Chúng nên bao gồm
      • Người đầu nhóm có nhiệm vụ điều khiển buổi làm việc.
      • Không một thành viên nào có quyền đòi hỏi hay cản trở, đánh giá, phê bình hay thêm bớt vào ý kiến, từ vựng nêu ra, hay giải đáp của thành viên khác.
      • Cần xác định rằng không có câu trả lời nào là sai!
      • Tất cả câu trả lời, các ý, các cụm từ, ngoại trừ nó đã được lập lại đều sẽ được thu thập ghi lại (cách ghi có thể tóm gọn trong một chữ hay một câu cho mỗi ý riêng rẽ).
      • Vạch định thời gian cho buổi làm việc và ngưng khi hết giờ.
    • Bước 4: Bắt đầu động não: Người lãnh đạo chỉ định hay lựa chọn thành viện chia sẻ ý kiến trả lời (hay những ý niệm rời rạc). Người thư ký phải viết xuống tất cả các câu trả lời, nếu có thể công khai hóa cho mọi người thấy (viết lên bảng chẳng hạn). Không cho phép bất kỳ một ý kiến đánh giá hay bình luận nào về bất kỳ câu trả lời nào cho đến khi chấm dứt buổi động.
    • Bước 5: Sau khi kết thúc động, hãy lượt lại tất cả và bắt đầu đánh giá các câu trả lời. Một số lưu ý về chất lượng câu trả lời bao gồm:
      • Tìm những câu ý trùng lặp hay tương tự để thu gọn lại.
      • Góp các câu trả lời có sư tương tự hay tương đồng về nguyên tắc hay nguyên lý.
      • Xóa bỏ những ý kiến hoàn toàn không thích hợp.
      • Sau khi đã cô lập được danh sách các ý kiến, hãy bàn cãi thêm về câu trả lời chung.

    phuong-phap-dong-nao

    Phương pháp động não

    ✍ Xem thêm: Kỹ năng lãnh đạo là gì? 4 kỹ năng quản trị của người lãnh đạo

    4.2 Phương pháp "Thu thập ngẫu nhiên"

    Thu thập ngẫu nhiên: là kĩ thuật cho phép liên kết một kiểu tư duy mới với kiểu tư duy đang được sử dụng. Cùng với sự có mặt của kiểu tư duy mới này thì tất cả các kinh nghiệm sẵn có cũng sẽ được nối vào với nhau. Phương pháp này rất hữu ích khi cần những ý kiến sáng rõ hay những tầm nhìn mới trong quá trình giải quyết một vấn đề. Đây là phương pháp có thể dùng bổ sung thêm cho quá trình tập kích não.

    Các bước thực hành phương pháp này:

    • Chọn ra ngẫu nhiên một danh từ trong một từ điển hay trong một danh mục các từ vựng đã được chuẩn bị từ trước. Thường danh từ được chọn là danh từ cụ thể sẽ giúp ích hơn. Danh từ cụ thể hiểu theo nghĩa là những danh từ chỉ vật mà mình có thể nhận biết bằng giác quan hay sờ mó được. Cách chọn ngẫu nhiên khác là lấy ra từ một tạp chí một danh từ nào đó hoặc có thể dùng sự hỗ trợ của phần mềm để chọn.
    • Không nên chọn một danh từ trừu tượng hay một khái niệm tổng quát.
    • Dùng danh từ này như là điểm khởi đầu cho giải quyết vấn đề bằng tập kích não.
    • Nếu như từ được chọn không nằm trong phần chuyên môn của người tiến hành phương pháp này, có thể thấy mình sẽ có thêm nhiều tri thức sáng suốt nhờ vào các bước tìm tòi kế tiếp.
    • Mặc dù vậy, cách tốt nhất là chọn những danh từ không liên quan gì đến vấn đề đang cần giải đáp nhưng lại có thể nằm trong chuyên môn của người tiến hành vì như thế nhiều ý tưởng mới hơn sẽ được tìm ra.
    • Nếu như từ chọn ra là thích hợp, một dãy những ý kiến và khái niệm vào quá trình tập kích não sẽ nảy sinh.
    • Trong khi một số từ tìm ra trở nên vô dụng, thì qua đó, có thể sẽ tìm ra những phương hướng mới cho vấn đề.
    • Nếu bạn kiên trì nhiều lần, thì có thể tìm ra bước đột phá.

    phuong-phap-thu-nhap-ngau-nhien

    Phương pháp thu thập ngẫu nhiên

    ✍ Xem thêm: Tìm hiểu kỹ năng giao tiếp và cách cải thiện kỹ năng này

     

    4.3 Sử dụng bản đồ tư duy

    Bản đồ tư duy: phương pháp này là một phương tiện mạnh để tận dụng khả năng ghi nhận hình ảnh của bộ não. Nó có thể dùng như một cách để ghi nhớ chi tiết, để tổng hợp hay để phân tích một vấn đề thành một dạng của lược đồ phân nhánh. Phương pháp này củng cố thêm khả năng liên lạc, liên hệ các dữ kiện với nhau cũng như nâng cao khả năng nhớ theo chuỗi dữ kiện xảy ra theo thời gian. Bằng cách dùng giản đồ ý, tổng thể của vấn đề được chỉ ra dưới dạng một hình trong đó các đối tượng được liên hệ với nhau bằng các đường nối. Với cách thức đó, các dữ liệu được ghi nhớ và nhìn nhận dễ dàng và nhanh chóng hơn.

    Các bước thực hành phương pháp này:

    • Viết hay vẽ đề tài của đối tượng xuống giữa trang giấy và vẽ một vòng bao bọc nó. Việc sử dụng màu sẽ nâng cao chất lượng và vận tốc ghi nhớ. Nếu viết chữ thì hãy cô đọng nó thành một từ khóa chính (danh từ kép chẳng hạn).
    • Đối với mỗi ý quan trọng, vẽ một đường (hay một đường có mũi tên ở đầu tùy theo quan hệ từ đối tượng trung tâm đối với ý phụ bên ngoài) đường phân nhánh xuất phát từ hình trung tâm (xem hình ví dụ) và nối với một ý phụ.
    • Từ mỗi ý quan trọng, lại vẽ các phân nhánh mới các ý phụ bổ sung cho ý đó.
    • Từ các ý phụ này lại, mở ra các phân nhánh chi tiết cho mỗi ý.
    • Tiếp tục vẽ hình phân nhánh các ý cho đến khi đạt được giản đồ chi tiết nhất (hình rễ cây mà gốc chính là đề tài đang làm việc).

    Lưu ý: Khi tiến hành một giản đồ ý nên:

    • Sử dụng hình ảnh minh hoạ nếu có thể thay cho chữ viết cho mỗi ý.
    • Mỗi ý, nếu không thể dùng hình phải rút xuống tối đa thành một từ khóa ngắn gọn.
    • Tư tưởng nên được để tự do tối đa. Bạn có thể nảy sinh ý tưởng nhanh hơn là khi viết ra.

    phuong-phap-so-do-tu-duy

    Phương pháp sử dụng sơ đồ tư duy

    4.4 Một số phương pháp rèn luyện khác

    Ngoài những phương pháp rèn luyện tư duy sáng tạo trên, bạn cũng có thể tham khảo thêm những phương pháp dưới đây:

    • Phương pháp mở rộng khái niệm
    • Phương pháp sáu chiếc mũ tư duy
    • Phương pháp tư duy tổng hợp
    • Phương pháp tư duy ngược
    • Phương pháp tương tự hóa

    Ngoài ra, bạn cũng có thể xem thêm video "The Surprising Habits of Original Thinkers" - TED Talk của Adam Grant - tác giả cuốn sách "Originals", khám phá những thói quen độc đáo của những người tư duy sáng tạo và cung cấp cách tiếp cận để thúc đẩy tư duy sáng tạo.

     

     

    5. Tổng hợp những cuốn sách rèn luyện tư duy sáng tạo

    Dưới đây là tổng hợp những cuốn sách giúp bạn rèn luyện tư duy sáng tạo mà bạn nên tham khảo. Những cuốn sách này được gợi ý từ những chuyên gia và người có kinh nghiệm trong lĩnh vực sáng tạo:

    • "Flow: Nghệ thuật mỉm cười trong công việc và cuộc sống" (Flow: The Psychology of Optimal Experience) của Mihaly Csikszentmihalyi. Mặc dù không phải là một cuốn sách trực tiếp về tư duy sáng tạo, nó giúp bạn hiểu về trạng thái tập trung cao nhất và tạo ra sự kết hợp giữa thách thức và khả năng trong quá trình tư duy sáng tạo.

    • "Lateral Thinking: Tư duy phiến diện" (Lateral Thinking: Creativity Step by Step) của Edward de Bono. Cuốn sách này giới thiệu phương pháp suy nghĩ phiến diện để khám phá các khía cạnh mới và đột phá trong tư duy sáng tạo.

    • "Đố vui sáng tạo: Bí quyết suy nghĩ đột phá" (Thinkertoys: A Handbook of Creative Thinking Techniques) của Michael Michalko. Cuốn sách này cung cấp một loạt các kỹ thuật và công cụ tưởng tượng để khuyến khích tư duy sáng tạo.

    • "Người tiên phong: Cuộc phiêu lưu của những nhà sáng tạo và doanh nhân hàng đầu thế giới" (The Innovators: How a Group of Hackers, Geniuses, and Geeks Created the Digital Revolution) của Walter Isaacson. Cuốn sách này tập trung vào câu chuyện về sự đổi mới và sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ và khám phá các nguyên tắc và kỹ năng cần thiết để trở thành người sáng tạo.

    • "Sự sáng tạo trong kinh doanh" (Creativity in Business) của Michael Ray và Rochelle Myers. Cuốn sách này khám phá cách áp dụng tư duy sáng tạo trong môi trường kinh doanh và thúc đẩy sự đổi mới và tiến bộ.

    • "Nghệ thuật của sự đánh cặp" (Steal like an artist) của Austin Kleon. Đây là một cuốn sách chia sẻ về quan điểm sáng tạo của tác giả và quá trình thực hiện công việc của mình. Cuốn sách được xuất bản lần đầu vào năm 2012 và kể từ đó trở thành Sách bán chạy nhất của Thời báo New York.

    cuon-sach-tu-duy-sang-tao

    Steal like an artist của Austin Kleon

    6. Lợi ích của tư duy sáng tạo

    Tư duy sáng tạo mang lại nhiều lợi ích quan trọng trong nhiều khía cạnh của cuộc sống và công việc. Dưới đây là một số lợi ích chính của tư duy sáng tạo mà chúng ta có thể kể đến bao gồm:

    • Giúp giải quyết vấn đề dưới nhiều góc độ và đưa ra giải pháp đột phá.

    • Giúp tăng động lực chính để tạo ra sự đổi mới và phát triển. Từ đó thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội và các tổ chức.

    • Giúp bạn phản ứng linh hoạt và thích nghi với thay đổi

    • Giúp bạn tạo ra sự khác biệt và cạnh tranh trong công việc và cuộc sống từ việc phát triển ý tưởng mới, sản phẩm và dịch vụ độc đáo, tạo ra giá trị đặc biệt và nổi bật trong môi trường đầy cạnh tranh.

    • Tư duy sáng tạo giúp bạn phát triển sự tự tin và sự tin tưởng vào khả năng sáng tạo của bản thân.

    • Ngoài ra, tư duy sáng tạo khuyến khích bạn khám phá và phát triển tiềm năng cá nhân.Từ đó mở ra cơ hội để thử nghiệm những khả năng mới, phát triển kỹ năng tư duy linh hoạt và mở rộng ranh giới của bản thân.

    loi-ich-tu-duy-sang-tao

    Lợi ích của tư duy sáng tạo

     

    Tóm lại, tư duy sáng tạo là một kỹ năng quan trọng và cần thiết trong công việc cũng như cuộc sống. Có rất nhiều phương pháp để rèn luyện kỹ năng này, do đó bạn cần lựa chọn một phương pháp phù hợp nhất với bản thân mình. Mong rằng qua bài viết này, Viện đào tạo Vinacontrol đã cung cấp thông tin hữu ích đến bạn

     

    Nhận tư vấn miễn phí từ chuyên gia

    Với sự chuyên nghiệp và am hiểu của mình, Viện Vinacontrol tự tin đồng hành cùng khách hàng và đối tác cùng nhau phát triển bền vững. Hãy để lại thông tin của bạn để chuyên viên của chúng tôi có thể liên hệ hỗ trợ tư vấn khóa học tốt nhất!
    1800.6083